Tác động của biến đổi khí hậu
10:41 - 01/09/2021
(MTNT) - Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức đối với nhân loại bởi tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên thế giới.
Biến đổi khí hậu tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng



Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, từ tháng 6 đến tháng 10/2020, những trận lũ lụt và lở đất kinh hoàng đã diễn ra, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của 3,6 triệu người ở Đông Phi.


Lũ lụt đã khiến gần 1,1 triệu người ở Ethiopia bị ảnh hưởng, trong đó có trên 313 nghìn người phải sơ tán, trong khi con số này ở Nam Sudan lần lượt là 856 nghìn người và gần 400 nghìn người.


Chín tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ lụt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ những năm trước, thiết lập kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998.


Trong khu vực Đông Nam Á, những cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ cũng đã gây trận lũ lụt nghiêm trọng ở thủ đô Jakarta của quốc gia Indonesia trong tháng 01/2020, làm cho ít nhất hơn 60 người thiệt mạng và 60.000 người phải sơ tán.


Ngoài ra, thế giới còn chịu sự hoành hành của lượng lớn xoáy thuận nhiệt đới gồm số lượng xoáy thuận nhiệt trên toàn cầu năm 2020 cao hơn mức trung bình với 96 xoáy thuận tính đến nửa đầu tháng 11 ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu giai đoạn 2019-2020.


Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương đã có một mùa mưa bão dữ dội khác thường với 30 xoáy thuận nhiệt đới tính đến giữa tháng 11/2020, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình dài hạn và phá kỷ lục trong cả mùa được thiết lập trước đó, khiến ít nhất 400 người thiệt mạng.


Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, với 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 tại khu vực Trung Bộ...


Trong gần 2 tháng, khu vực Duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão.

Tính đến ngày đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm khoảng 350 người chết, mất tích và hơn 870 người bị thương. Không chỉ gây thiệt hại về người và làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã dẫn đến những tổn thất đáng kể về kinh tế đối với nhiều quốc gia.


Hàng loạt các tổ chức quốc tế đã công bố những con số về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Báo cáo thường niên của Dự án carbon toàn cầu (GCP) cho biết, năm 2020, ước tính tổng lượng phát thải khí carbonic (CO2) trên toàn thế giới giảm 2,4 tỉ tấn so với năm 2019, tương đương mức giảm kỷ lục 7%.


Lượng phát thải CO2 giảm đáng kể ở các quốc gia và khu vực phát thải nhiều nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, lượng phát thải CO2 giảm là do chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh.


Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2°C so thời kỳ tiền công nghiệp.


Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 01/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S).


Dù số lượng vụ cháy rừng giảm song điều đáng tiếc là lại nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí toàn cầu. Điển hình là vụ cháy rừng ở Australia, kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, do hạn hán kéo dài trên khắp quốc gia này.


Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10/2020 ở mức thấp kỷ lục trong ít nhất 40 năm qua, đạt 6,5 triệu km2 do nước biển ấm bất thường.


Khối băng lớn thứ 2 thế giới là Greenland cũng đã mất đi 152 tỷ tấn băng do hiện tượng tan chảy. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong những năm gần đây.


Nhiệt độ ở Thị trấn Verkhoyansk, thuộc Siberia, Nga, nơi được biết đến với cái lạnh cực độ đã tăng vọt lên mức 38,0°C, đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc vòng Bắc Cực. Nhiệt độ tăng lên đã khiến băng biển ở khu vực Bắc Cực tan chảy. Cuba cũng đã phải trải qua ngày hè nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ đạt 39,7°C tại Veguitas vào giữa tháng 4/2020 trong khi Havana cũng có ngày nóng nhất với 38,5°C.


Ở phía đông Địa Trung Hải, nhiều kỷ lục mới được thiết lập khi Jerusalem có mức nhiệt lên tới 42,7°C và Eilat là 48,9°C vào đầu tháng 9/2020. Còn ở Trung Đông, sân bay Kuwait và Baghdad có thời điểm đạt ngưỡng 52,1°C và 51,8°C sau đợt nắng nóng vào cuối tháng 7.


Hơn nữa thế giới lại chứng kiến thêm một thảm họa cháy rừng khác hoành hành khắp miền Tây nước Mỹ do những đợt hạn hán trên diện rộng và nhiệt độ khắc nghiệt gây ra. Bang California của quốc gia này đã xảy ra hơn 9.000 vụ cháy rừng, đốt cháy hơn 1,764 triệu hecta và khiến hàng chục nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn.


Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế dài hạn, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam vốn đã chịu nhiều rủi ro thiên tai có liên quan đến khí hậu, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng và ven biển mặt độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao và hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lụt lội ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tăng tần suất các cơn bão đe dọa an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam.


Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.


Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.


Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 3 nhóm, tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực. Các lĩnh vực được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực.


Trong đó, có việc giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng, định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản về tác động, tổn thất và thiệt hại, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ hỗ trợ quản lý, xây dựng các cơ chế, chính sách huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính…


Cần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu, trong đó, có việc cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai.



Xuân Sơn



 
Nguồn:
http://consosukien.vn/nam-2020-the-gioi-chiu-tac-dong-manh-me-cua-bien-doi-khi-hau.
htm http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Bien-doi-khi-hau-dang-tro-thanh-thach-thuc-an-ninh/426559.vgp

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn